Vũng Chùa Đảo Yến nơi yên nghỉ của 1 huyền thoại

Vũng Chùa Đảo Yến là nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam. Hàng ngày tại đây đón hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tri ân và dâng hương.

Từ khi đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ Quảng Bình, du lịch đã phát triển  hơn. Nhiều du khách dần biết với Quảng Bình.

Vũng chùa Đảo Yến nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới 70km theo hướng Bắc.

Từ Vũng Chùa du khách có thể đến với đền thờ thánh mẫu Liễu Hạnh, Đèo Ngang, Hoành Sơn Quan.

Hiện nay Mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng chùa được giao cho gia đình quản lý.

Thắp một nén nhang bên mộ Đại tướng là tâm nguyên bao nhiêu người,

 

Vũng Chùa - Đảo Yến nằm dưới dãy Hoành Sơn, mạch núi của dãy Trường Sơn chạy ra biển, ở trong vịnh Hòn La, có cảnh quan tự nhiên rất đẹp.

Ngày xưa nơi đây là biên giới, vùng chiến địa giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Đến năm 1069 vùng đất này thuộc Đại Việt. Thời Trịnh – Nguyễn nơi đây xảy ra nhiều cuộc giao tranh ác liệt. Ở đây đến nay còn nhiều dấu tích của chiến tuyến ngày xưa như thành lũy, hầm hào.

Vịnh Hòn La được bao bọc bởi những ngọn núi như bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn thế như “rồng cuộn, hổ ngồi”, trùng trùng điệp điệp chạy lan ra biển. Núi Rồng che chắn phía Tây - Bắc, phía Đông có nhiều đảo nhỏ. Nơi đây hội tụ mạch khí chảy dọc theo dãy Trường Sơn từ phía Bắc xuống, gặp biển thì dừng lại. Về phong thủy đầy đủ các yếu tố tốt đẹp, ít nơi nào có được.

Người dân địa phương cũng không biết tên Vũng Chùa – Đảo Yến có từ bao giờ. Đảo Yến tựa lưng vào núi, mặt nhìn ra biển lớn, rộng khoảng 10ha, nhiều bãi đá kỳ vĩ, nhiều hang. Các hang chim yến về làm tổ rất nhiều. Đây được cho là hòn đảo duy nhất khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ có chim yến về làm tổ, trú ngụ. Đảo còn nguyên vẻ hoang sơ, đến nay chỉ có một tổ công tác của Công ty Yến sào Khánh Hòa ở để bảo vệ các loài yến.

Đảo Yến còn gọi là Hòn Nồm. Hòn Nồm cùng với Hòn La và Hòn Gió tạo nên thế chân kiềng rất vững chắc. Trên đảo trước đây có một ngôi chùa được cho là rất linh thiêng, bà con ngư dân thường đến đây cúng lễ cầu mong cho trời yên, biển lặng, gió hòa, đánh bắt được nhiều hải sản, cuộc sống bình an, tuy nhiên đến nay ngôi chùa không còn nữa.

Người địa phương còn lưu truyền nhiều truyền thuyết: Ngày xưa Vua Lê Thánh Tông xuất quân đi đánh Chiêm Thành dừng lại ở đây lập đàn tế xin thần linh phù hộ để chiến thắng và đất nước an lành. Sau đại thắng trở về nhà vua lại lập đàn tế cáo cảm ơn thần linh, trời đất đã phù hộ.

Nhiều người dân trong vùng kiêng không chặt cây chò trắng. Bởi Long Vương dùng cây chò trắng xây thành đắp lũy dưới biển. Nên mỗi khi Chiêm Thành đem quân ra đánh Đại Việt, lại bị Long Vương nổi sóng nhấn chìm. Ơn của Long Vương được người đời ghi tạc.

Quảng Đông có 3 dòng họ lớn Lê, Võ, Đinh. Theo dân làng, ba dòng họ này là do các vị quan của nước Đại Việt vào đây bảo vệ bờ cõi rồi sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất này.

Cụ Lê Hữu Khành, năm nay gần 80 tuổi, một cán bộ lão thành của xã Quảng Đông, trên 30 năm làm cán bộ địa phương, 12 năm liên tục làm Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Quảng Đông có vịnh Hòn La sâu tàu bè vào ra thuận tiện. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào thời điểm địch phong tỏa cảng Hải Phòng và cảng Bến Thủy (Nghệ An), đây là nơi trung chuyển hàng hóa, vũ khí vào miền Nam. Do đó, Quảng Đông là một mục tiêu đánh phá trọng điểm của kẻ thù. Chỉ năm 1972 Mỹ thả xuống nơi đây trên 22.000 quả bom các loại.

Nhưng quân và dân Quảng Đông nói riêng, Quảng Trạch nói chung vẫn kiên cường chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đêm 5/7/1972 bộ đội ta dùng pháo 130 ly bắn cháy tàu chiến Mỹ, nhân dân trong vùng nức lòng, tạo nên khí thế quyết chiến, quyết thắng trong toàn dân. Cũng từ đó tàu chiến Mỹ không dám tiến vào gần bờ nữa.

Chỉ trong năm 1972, ở vịnh Hòn La đã tiếp nhận và vận chuyển 21.000 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược vào chiến trường, quân và dân Quảng Trạch bắn rơi 7 máy bay Mỹ.

Nhận xét